Giữa vùng núi cao trùng điệp, thuộc cuối dãy Hoàng Liên Sơn cao chót vót, có một thung lũng rộng lớn đẹp đến mê hồn; nơi có người Thái trắng cư ngụ. ĐÓ là thung lũng Ngọc Chiến (Mường La, Sơn La). Bên cánh đồng rộng hàng nghìn héc ta là bản Nà Tâu, sừng sững ngay đầu bản là một cây cổ thụ.

Giữa vùng núi cao trùng điệp, thuộc cuối dãy Hoàng Liên Sơn cao chót vót, có một thung lũng rộng lớn đẹp đến mê hồn; nơi có người Thái trắng cư ngụ. ĐÓ là thung lũng Ngọc Chiến (Mường La, Sơn La). Bên cánh đồng rộng hàng nghìn héc ta là bản Nà Tâu, sừng sững ngay đầu bản là một cây cổ thụ. Cây có chiều cao đến 30 mét, đường kính thân cây khoảng 3 mét, chu vi rộng đến cả chục mét. Người Ngọc Chiến gọi đây là cây thông chua, người nơi khác lại bảo nó là thông đỏ, một số người thì gọi là cây sa mu. Theo tên khoa học thì đây là cây Vân du núi đất, một loài họ thông rất quý, hiếm. Ở Việt Nam có 2 loại vân du, là vân du núi đất và vân du núi đá. Cả hai đều thuộc loại cây quý hiếm cần được bảo vệ.

Bản Nà Tâu nơi có cây Sa mu thần

Không ai biết chính xác cây đã bao nhiêu tuổi, chỉ biết rằng, theo những người già trong bản thì từ khi các ông cụ còn sống đã kể rằng, lúc họ còn nhỏ, đã thấy cái cây này khổng lồ như vậy. Trải qua bao nhiêu năm, cây vẫn to như thế. Hàng trăm năm qua, cây cũng chẳng thấy lớn lên được chút nào nữa.

Cây Sa mu sừng sững giữa bản làng

Chuyện xưa kể lại rằng: Cách ngày nay từ lâu lắm, khi đó, cả vùng Mường Chiến là rừng già âm u. Những cây cổ thụ mọc tràn từ dãy Hoàng Liên mờ sương xuống tận thung lũng Ngọc Chiến. Khi đoàn người vào khu vực này khai phá đất đai, trồng lúa, trồng sắn; gặp cây to, mọi người định đốn hạ, thì giông gió nổi lên, bầu trời tối đen như mực. Từ trên cây, có một con hổ khổng lồ đi xuống. Con hổ cứ đi dọc thân cây mà không rơi. Đôi mắt nó đỏ rực như hai hòn than. Con hổ gầm gừ, nhe nanh, định xông vào vồ mọi người, thì từ trong thân cây, một cụ già đi ra. Cụ già đó bảo: "Đây là cây thần, là nơi thần ngự. Mọi người cứ ở đây khai phá, canh tác, thần sẽ bảo vệ. Nhưng tuyệt nhiên không được đốn hạ cây, mà chết cả bản. Nói rồi, cụ già và con hổ biến mất".

Phần gốc cây Sa mu

Từ đó, người dân dựng một miếu thờ cúng, gọi cây khổng lồ là "Cây thần". Hàng năm, cứ bắt đầu năm mới (mùng 7 Tết âm lịch), vào ngày chuẩn bị làm mùa, dân bản Nà Tâu lại sắm lễ cúng tại ngôi miếu này, cầu thần linh phù hộ cho thời tiết thuận hòa, cây cối tốt tươi, cuộc sống no đủ. Và cũng chỉ đến ngày đó, người dân mới dám đến mở cửa ngôi miếu, đến gần cây khổng lồ. Người trong bản mỗi khi có việc đi xa thì đều đến bên cây thắp hương cầu xin. Cầu cho chuyến đi đó được may lành và bình an... Theo lời người dân trong bản Nà Tâu, trong các cuộc chiến tranh giành độc lập và vệ quốc của dân tộc, hàng trăm thanh niên trong bản đã lên đường tòng quân giết giặc, nhưng tất cả đã trở về bình an, không ai bị hy sinh hay thương tật gì. Ngày nay, những cành cây già, gãy xuống cũng không ai dám lấy về nếu chưa được phép của người chủ cây. Nếu không, đêm hôm đó sẽ có người đến đòi, đến khi đem trả lại và làm lễ tạ lỗi mới thôi.

Nguồn: nhân dân

0 comments: