Giữa cánh đồng
Mường Chiến mênh mông, có hai cây cổ thụ lặng lẽ bên nhau trải đã bao đời...,
không ai biết cả. Cũng chẳng ai biết cây có tên là gì, thuộc họ nào. Người ta
chỉ biết rằng, từ ngày sinh ra đã thấy hai cây này như vậy. Người có kinh nghiệm
đi rừng nhiều năm cũng nói là trong rừng không gặp loại cây nào như thế này; kẻ
mê tín thì khẳng định: củi cây này lấy về đốt cũng không cháy...
Hai cây không
to cao, cũng không sum xuê cành lá, nhưng rắn chắc, toàn thân phủ đầy rêu và địa
y, vươn mình đón mưa rừng gió núi suốt cả ngàn năm qua. Nhìn xa hai cây như hai
con người đang bên nhau, che chở, chia sẻ, bảo vệ nhau. Một cây cao, cành lá tỏa
rộng, cây còn lại cành lá mọc lệch một bên, hai cây như đang hòa quyện làm một.
Theo như nội
dung trong “Truyền thuyết khau Sam síp” (truyền
thuyết về nguồn gốc người Thái trắng ở Ngọc Chiến) thì cây này đã có mặt
cùng với nhóm người Thái trắng khi đến đây lập bản lập mường. Vì theo phong tục
dân tộc Thái, khi định cư lại đâu đó, người ta sẽ trồng cây ở đầu bản, đặt tên
là cây Lắc mương, nghĩa là cây ranh giới giữa bản với bên ngoài...; họ dặn
nhau: những điều tốt đẹp cũng chỉ đem ra đến đây, và những điều xấu xa, cũng chỉ
được đem về đến đây mà thôi. Cũng như vậy, khi con thú rừng vào bản bắt trộm vật
nuôi, nếu có xua đuổi thì cũng chỉ ra đến hai cây này là dừng lại. Ranh giới
không chỉ mang ý nghĩa địa lý, mà còn mang cả ý nghĩa tâm linh.
Cây Lắc mương
được coi là một trong ba vị trí thiêng liêng trong vùng, tuyệt đối không được mạo
phạm, đó là Nhà thờ Mường Chiến, Núi thần (Pu Tạo Luông) và cây Lắc mương. Trong
cuộc sống thường ngày, bà con thường ra đây để cầu xin hạnh phúc, nhất là những
cặp đôi yêu nhau.
Để tưởng nhớ
ông bà, người Thái trắng Ngọc Chiến gọi hai cây này là cây Tình nhân. Họ tin rằng,
đây này là hiện thân của ông bà - đôi tình nhân ngày đó. Là biểu tượng cho mối
tình thủy chung, son sắt; là kết quả tốt đẹp của một cuộc thiên di đẫm nước mắt
nhưng thành công, hạnh phúc viên mãn...
(Tham khảo thêm:
Truyền thuyết khau Sam Síp)
0 comments:
Post a Comment